Các Câu Hỏi Thường Gặp về Vắc-xin Phòng Cúm và Thai Kỳ
Quý vị có đang mang thai hoặc dự định sẽ mang thai vào năm nay không? Sau đây là những điều quý vị cần biết để bảo vệ bản thân và con quý vị khỏi vi-rút nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong này.
Tại sao tôi cần tiêm vắc-xin phòng cúm trong thời gian mang thai?
Các thay đổi thông thường trong hệ miễn dịch của quý vị trong thời gian mang thai có thể khiến quý vị có nguy cơ gặp phải các biến chứng từ cúm nhiều hơn. Vắc-xin phòng cúm là biện pháp bảo vệ tốt nhất để quý vị và con quý vị khỏi mắc bệnh cúm. Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc bệnh nghiêm trọng, phải nhập viện và tử vong nếu họ bị cúm. Nếu quý vị bị cúm khi đang mang thai, bệnh cũng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho con quý vị, bao gồm sinh non và dị tật bẩm sinh.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng một mũi tiêm phòng cúm khi mang thai có thể giúp bảo vệ con quý vị khỏi bệnh cúm tới 6 tháng sau khi sinh. Cho con bú sữa mẹ sau sinh giúp tăng cường hệ miễn dịch của con nhưng không phải là biện pháp thay thế cho việc tiêm vắc-xin.
Khi nào tôi nên tiêm vắc-xin phòng cúm?
Hãy tiêm vắc-xin phòng cúm ngay khi vắc-xin có sẵn tại khu vực của quý vị. Vắc-xin phòng cúm (PDF) được chứng minh là an toàn, hiệu quả và có lợi cho quý vị và con quý vị tại bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ. Khi quý vị tiêm vắc-xin phòng cúm trong thời gian mang thai, quý vị tạo ra kháng thể bảo vệ và truyền kháng thể cho con mình. Các kháng thể này bảo vệ con quý vị khỏi bệnh cúm cho đến khi con có thể tiêm được vắc-xin khi trẻ 6 tháng tuổi. Cho con quý vị bú sữa mẹ cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch của con nhưng không phải là biện pháp thay thế cho việc tiêm vắc-xin.
Việc những người khác trong hộ gia đình quý vị tiêm vắc-xin phòng cúm trong thời gian quý vị mang thai cũng rất quan trọng.
Tôi đang mang thai rồi. Việc tiêm vắc-xin phòng cúm có an toàn không?
Có. Việc tiêm vắc-xin phòng cúm vào bất kỳ thời điểm nào trước, trong và sau khi mang thai đều an toàn. CDC và American College of Obstetricians and Gynecologists (Hiệp Hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ) (các bác sĩ chuyên chăm sóc phụ nữ trong thời kỳ mang thai) khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tiêm vắc-xin.
Quý vị cũng nên tiêm vắc-xin phòng ho gà (Tdap) trong tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ. Hãy kiểm tra với bác sĩ, y tá hoặc phòng khám của quý vị về những loại vắc-xin quý vị có thể cần. Để biết thêm thông tin, hãy truy cập trang vắc-xin ho gà của chúng tôi (chỉ có bằng Tiếng Anh và Tiếng Tây Ban Nha).
Khi nào thì con tôi có thể tiêm vắc-xin phòng cúm?
Trẻ em có thể tiêm vắc-xin phòng cúm khi trẻ 6 tháng tuổi. Điều quan trọng là tất cả mọi người trong hộ gia đình quý vị phải tiêm vắc-xin để giúp bảo vệ con quý vị cho đến thời điểm đó. Trẻ em dưới chín tuổi có thể cần tiêm hai liều mỗi năm để đạt được hiệu quả bảo vệ cao nhất. Hãy kiểm tra với bác sĩ, y tá hoặc phòng khám của quý vị về các loại vắc-xin được khuyến cáo khác mà con quý vị có thể cần (CDC, chỉ có bằng Tiếng Anh).
Tôi có thể bị bệnh cúm do tiêm vắc-xin phòng cúm không?
Không. Vắc-xin phòng cúm không thể khiến quý vị bị cúm. Tuy nhiên, mất khoảng 2 tuần sau khi tiêm vắc-xin để cơ thể quý vị tạo ra kháng thể bảo vệ quý vị chống lại vi-rút cúm. Trong hai tuần đó, vẫn có khả năng quý vị bị lây cúm từ người khác.
Tôi có thể tiêm vắc-xin phòng cúm không có chất bảo quản không?
Có. Có các loại vắc-xin phòng cúm không có chất bảo quản. Luật của Tiểu Bang Washington yêu cầu phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 3 tuổi tiêm vắc-xin không có chất bảo quản (hoặc không chứa thimerosal). Để biết thêm thông tin, hãy truy cập trang Các Câu Hỏi Thường Gặp về Thimerosal của CDC (chỉ có bằng Tiếng Anh).
Có loại vắc-xin phòng cúm nào mà phụ nữ mang thai KHÔNG nên sử dụng không?
Vắc-xin xịt đường mũi (còn gọi là LAIV) được khuyến cáo không dành cho phụ nữ mang thai. Hãy kiểm tra với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của quý vị để tìm hiểu lựa chọn phù hợp nhất cho quý vị.
Mức độ nghiêm trọng của bệnh cúm nếu tôi đang mang thai?
Không thể tiên lượng trước được bệnh cúm và bệnh có thể rất nghiêm trọng, đặc biệt là với phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ nhỏ và những người có các tình trạng bệnh lý nhất định. Những nhóm đó có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng liên quan đến bệnh cúm như:
- Viêm phổi
- Viêm tai
- Viêm xoang
- Mất nước
- Bệnh lý mạn tính nghiêm trọng hơn (hen suyễn, suy tim sung huyết hoặc tiểu đường)
Nếu quý vị bị bệnh cúm khi đang mang thai, quý vị có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng như chuyển dạ sớm và sinh non. Quý vị cũng có khả năng phải nằm viện và gặp phải nguy cơ tử vong cao hơn nếu quý vị bị cúm khi đang mang thai. Để biết thêm thông tin, hãy truy cập trang cúm và thai kỳ của American College of Obstetricians and Gynecologists (chỉ có bằng Tiếng Anh).
Tôi có thể làm thêm điều gì để bảo vệ bản thân khỏi mắc bệnh cúm?
Hãy đề nghị gia đình, bạn bè và những người chăm sóc thường dành thời gian với quý vị và con quý vị tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm. Ngoài ra, hãy làm theo các bước đơn giản sau:
- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi bằng ống tay hoặc khăn giấy
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước ấm
- Khử trùng các bề mặt và đồ vật thường xuyên dùng chung (tay nắm cửa, kệ bệp, vòi nước, v.v...)
- Tránh thường xuyên chạm vào mũi, miệng và mắt
- Ở nhà, không đi làm hoặc đi học nếu bị ốm
- Đeo tấm che mặt bằng vải khi quý vị ra ngoài cộng đồng
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi bị cúm khi đang mang thai?
Mặc dù vắc-xin phòng cúm là cách tốt nhất để ngăn ngừa cúm, nó không đảm bảo rằng quý vị sẽ không bị ốm. Nếu quý vị có các triệu chứng của bệnh cúm, hãy hạn chế tiếp xúc với những người khác và liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của quý vị ngay. Bác sĩ của quý vị nên kê toa thuốc kháng vi-rút (PDF) nếu họ nghi ngờ quý vị bị cúm (CDC) (chỉ có bằng Tiếng Anh).
Tôi có thể tìm thêm thông tin về vắc-xin cho bản thân và gia đình ở đâu?
Có rất nhiều lầm tưởng nguy hiểm và ý kiến sai lệch về vắc-xin trên internet. Các đường dẫn dưới đây có thông tin chính xác, đáng tin cậy cho quý vị và hộ gia đình quý vị.
- Mang thai trong mùa cúm năm nay? – Department of Health (chỉ có bằng Tiếng Anh và Tiếng Tây Ban Nha)
- Quý vị đang mang thai? Hãy Tiêm Phòng Cúm! (PDF) – Centers for Disease Control and Prevention (chỉ có bằng Tiếng Anh)
- Tại Sao Chúng Ta Tiêm Vắc-xin? – Immunity Community (chỉ có bằng Tiếng Anh)
- Ho Gà và Thai Kỳ – Department of Health (chỉ có bằng Tiếng Anh và Tiếng Tây Ban Nha)
- Một Số Lầm Tưởng và Sự Thật về Tiêm Vắc-xin? - World Health Organization (chỉ có bằng Tiếng Anh)
- Bệnh Tật và Các Loại Vắc-xin Có Thể Ngăn Ngừa Chúng – Department of Health (chỉ có bằng Tiếng Anh)
- Tìm Sở Y Tế Địa Phương – Department of Health (chỉ có bằng Tiếng Anh)
Nếu quý vị cần trợ giúp tìm nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc nếu quý vị không có bảo hiểm y tế, hãy gọi Đường Dây Nóng Help Me Grow Washington theo số 1-800-322-2588 hoặc truy cập trang web của ParentHelp123.